Nỗi sợ hãi từng bao phủ thị trường chứng khoán Mỹ hồi đầu tuần vừa quay trở lại trong phiên giao dịch ngày 8/2 khi thị trường chìm trong sắc đỏ với Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt tới 1.032 điểm, tương đương 4,15%.
Cơn sụt giảm của chứng khoán Mỹ diễn ra trong bối cảnh những quan ngại về việc tăng lãi suất sẽ kéo tụt đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Trong ngày giao dịch hôm 8/2, thị trường bán mạnh vào những giờ giao dịch cuối cùng, khiến các chỉ số chính sụt giảm mạnh mẽ, chọc thủng đáy mới xác lập. Cụ thể, S&P 500 đã xuống qua mức 2.600 điểm trong khi Dow Jones xuyên thủng 24.000 điểm. Cả hai đều đang hướng tới mức giá trung bình của 200 ngày qua bất chấp thời gian dài tăng trưởng. Các nhà phân tích kỹ thuật cũng cho rằng, việc chạm đáy này có thể gây ra những lình xình khó bứt phá cho thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 giảm 3,8%, khiến mọi thành quả của năm 2018 bị xóa sạch. Đây cũng là mức đóng cửa thấp nhất mà S&P 500 xác lập trong 2 tháng qua. Tuần này cũng được coi là tuần tồi tệ nhất kể từ thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính leo thang. Dow Jones cũng trong tình trạng tương tự khi lần thứ 2 mất hơn 1.000 điểm trong 4 ngày qua.
S&P 500 đã mất 10% so với đỉnh cuối tháng 1
Áp lực một lần nữa đến từ thị trường trái phiếu, nơi các cuộc bán đấu giá vắng khách mang tới những tác động, trong đó đưa mức lợi tức 10 năm lên cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Các nhà đầu tư lấy đó làm tín hiệu cho việc lãi suất sẽ được đẩy lên cao hơn.
Với một thị trường đã không phải chứng kiến sự sụt giảm 3% trong hơn một năm, một tuần yếu đủ reo rắc nỗi kinh hoàng với cả những cổ phiếu có giá trị cao nhất. Khi cả thị trường đã quen với đà mua, những gì xảy ra tuần qua có thể làm dấy lên câu hỏi về một đợt bán tháo có thể sắp xảy ra.
Linh Anh
Theo Trí thức trẻ